Thổi hồn vào gỗ

Unknown | 19:54 |

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Thư viện Thủ thuật » Chính sự độc đáo và nét đẹp vĩnh cửu của chất liệu tạo thành mà những chiếc điện thoại vỏ gỗ đang ngày được ưa chuộng và sử dụng phổ biến trong cộng đồng người dùng ĐTDĐ tại Việt Nam.


Giá trị nghệ thuật

Thoạt tiên, có lẽ bạn sẽ cho rằng người viết bài này đang hơi quá lời khi so sánh những chiếc điện thoại vỏ gỗ ngang tầm với những tác phẩm nghệ thuật. Thế nhưng nếu nhìn ở một góc độ khác thì rõ ràng bạn phải công nhận rằng, điện thoại vỏ gỗ gần như là sản phẩm “made in Vietnam” duy nhất vẫn hội tụ đầy đủ tinh hoa của nghệ thuật thủ công, nhưng vẫn mang đầy chất “lửa” công nghệ. Hơn nữa, chúng cũng là một trong những sản phẩm công nghệ hiếm hoi đánh bật được vị thế của các sản phẩm Trung Quốc ngay tại “sân nhà” Việt Nam, đó mới thật sự là nghệ thuật!

Thời gian đầu, mỗi chiếc điện thoại vỏ gỗ được hình thành qua một quá trình rất nhiều công đoạn mà trung bình một người thợ phải mất từ 2 - 3 ngày tập trung cao độ mới có thể hoàn thiện được một chiếc. So sánh với tốc độ hiện tại thì dù toàn bộ công đoạn vẫn gói gọn trong năm khâu cơ bản như: chọn gỗ, khắc chi tiết, làm khuôn, lắp ráp máy, đánh bóng, nhưng thời gian làm việc nay đã có thể rút ngắn xuống chỉ còn 2 giờ mỗi chiếc, dù vậy mà nét mộc mạc, thủ công của gỗ vẫn được giữ nguyên như những sản phẩm ra mắt thời gian đầu.


Làm khuôn là một công đoạn đòi hỏi một sự tỉ mẩn và tập trung cao độ nơi người thợ thực hiện.

Thổi hồn vào gỗ

Chọn gỗ, công đoạn tưởng chừng đơn giản nhất nhưng lại quyết định rất lớn đến vẻ đẹp của một chiếc điện thoại khi thành phẩm.

Trước khi đến tay khách hàng, những mảnh gỗ nhỏ chỉ dày khoảng 1cm phải được người thợ xử lý bề mặt bằng máy chà nhám để làm sao cho lớp vân gỗ có thể dễ dàng thấy được bằng mắt thường. Do mỗi chiếc điện thoại vỏ gỗ bao gồm hai mảnh gỗ ghép lại nên việc khó khăn tiếp theo là phải chọn mảnh gỗ thứ hai sao cho khớp với màu sắc và vân gỗ của mảnh đầu tiên. Thoạt nghe tưởng chừng đơn giản nhưng công đoạn này chiếm rất nhiều thời gian của một người thợ vì vân gỗ vốn có đặc tính chẳng giống nhau bao giờ.

Anh Toàn, một thợ làm vỏ gỗ lâu năm cho biết: “Mỗi loại gỗ có một đặc tính và độ bền rất riêng mà chỉ những người thợ lâu năm trong nghề mới có thể hiểu được để xử lý. Nếu không cẩn thận, những chiếc điện thoại thành phẩm đến tay khách hàng sẽ dễ gặp tình trạng nứt, cong vênh khi gặp nước hay thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh”.


Một người thợ giỏi cũng phải mất từ 30-60 phút mới có thể lắp ráp thành một chiếc điện thoại vỏ gỗ hoàn chỉnh.

Những mảnh gỗ đã được chọn ngay sau đó sẽ được đo kích thước rồi đưa vào máy khắc laser để cắt những thành phần quan trọng như màn hình, phím bấm, nắp pin, và khắc những họa tiết trang trí theo yêu cầu của khách hàng. Đây được xem là một công đoạn tương đối dễ xử lý và có thể làm hàng loạt do có sự trợ giúp của máy móc. Mặc dù vậy, chi phí đầu tư cho một chiếc máy khắc laser như vậy lên đến vài trăm triệu đồng, tùy thuộc vào sự sắc nét của các chi tiết sau khi khắc.

Tiếp sau đó, những mảnh gỗ này sẽ trải qua công đoạn làm khuôn, một trong hai công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ cao độ nơi người thợ thực hiện. Ở công đoạn này, người thợ cần phải xác định chính xác độ sâu và tuyệt đối tuân theo thiết kế của sườn máy để tạo ra một chiếc khuôn vừa khít với nó.


Công đoạn xử lý màn hình và bàn phím là một công đoạn chứa đựng những bí quyết rất riêng của mỗi cơ sở sản xuất.

Do phải thực hiện việc làm khuôn bằng một chiếc máy phay cỡ lớn nên ở công đoạn này, người thợ cần phải thật sự khéo léo và cẩn thận mới có thể tránh được tình trạng nứt khuôn hoặc khuôn bị thiếu chính xác so với sườn máy. Theo anh Trí, chủ một cửa hàng điện thoại vỏ gỗ thì ở công đoạn này, mỗi cơ sở đều có một phương pháp hoặc một loại máy làm khuôn được chế tạo riêng, nhằm mục đích sao cho chiếc khuôn phải thật sự hoàn hảo, hạn chế tối đa việc phải chắp vá bằng các vật liệu phụ khi lắp ráp.

Trong lúc làm khuôn, một người thợ khác sẽ tiếp tục xử lý những bộ phận còn lại của phần thân điện thoại như màn hình, bàn phím để có thể lắp vừa vặn với khuôn gỗ. Đối với một số dòng máy, người thợ buộc phải mài bớt phần nhựa ở sườn máy để có thể đảm bảo độ nhỏ gọn cũng như độ dày của chiếc điện thoại vỏ gỗ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chiếc điện thoại sau khi được ốp gỗ sẽ không thể trở lại hình dáng ban đầu. Bên cạnh đó, mỗi người thợ cũng sẽ có một phương pháp riêng để chêm phím bấm sao cho có thể tạo cảm giác khi bấm tốt nhất, không quá cứng cũng không được quá mềm. Công đoạn này chủ yếu được thực hiện dựa trên kinh nghiệm thực tế lâu năm của người thợ, và tuyệt nhiên họ không bao giờ tiết lộ bí quyết riêng của mình.


Sau khi lắp ráp, chiếc điện thoại được tạm cố định bằng một… sợi dây thun để người thợ tiến hành kiểm tra máy.

Sau khi phần khuôn và thân máy đã hoàn thành cơ bản, một người thợ khác sẽ tiếp tục công đoạn lắp ráp thành một chiếc điện thoại hoàn chỉnh. Ở công đoạn này, người thợ sẽ phải tận dụng nhiều loại vật liệu khác nhau từ băng keo, mảnh nhựa, keo dán sắt hoặc thậm chí là một chiếc… SIM điện thoại, để làm sao cho chiếc khuôn được vừa vặn hoàn hảo với thân máy. Trung bình một người thợ giỏi cũng phải mất từ 30 – 60 phút mới có thể hoàn thành được phần lắp ráp thành một chiếc máy hoàn chỉnh. Việc này khá mất thời gian là do đa phần những chiếc phím bấm thường được làm thủ công từ vàng, bạc, inox… nên độ cao thấp không thật sự đều như những sản phẩm được đúc hàng loạt. Chính vì thế mà người thợ phải biết cách làm sao để toàn bộ phím vẫn có cùng một độ êm khi bấm, đó mới là điều thật sự khó khăn.


Khi đã hoàn thành, chiếc điện thoại vỏ gỗ lúc này sẽ được hoàn thành bằng công đoạn đánh bóng. Khác với những sản phẩm gỗ khác, những chiếc điện thoại vỏ gỗ thường không được đánh bóng bằng vecni hay sơn PU, mà chỉ được đánh bóng đơn giản bằng một vài loại sáp chuyên dụng cho việc đánh bóng… lư đồng. Điều này được giải thích là để đảm bảo màu sắc tự nhiên đồng thời giữ lại những đường vân vốn có của vân gỗ.

Đến đây, hy vọng bạn đọc cũng đã phần nào hiểu được quá trình tạo nên một chiếc điện thoại vỏ gỗ, mặc dù có thể bạn sẽ chưa thể hình dung hết những khó khăn, phức tạp đằng sau quá trình này. Nếu bạn đã từng hoặc sắp được sở hữu những chiếc điện thoại vỏ gỗ, chỉ cần nhớ một điều rất quan trọng rằng: Đó là sản phẩm của người Việt.
Theo Echip

Tags:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn

More →
Chữ đậm Chữ nghiêng Chữ nghiêng 2 Chèn Link Chèn Link Mã hóa code Help ?Nhấn vào biểu tượng hoặc kiểu chữ hoặc chèn link sau đó nhấn nút Chọn rồi copy (Ctrl + C) để paste (Ctrl + V) vào khung viết bình luận. Mã hóa code nếu bạn muốn đưa code vào bình luận.

Chọn Xóa